Đang tải...
Tuy nhiên, bản thân họ không thể tự giải quyết được tất cả các vấn đề của SX lẫn thị trường. Như một tất yếu, cái bắt tay giữa những nông dân hạt nhân và doanh nghiệp đang dần hình thành để SX lớn.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám thăm Nhà máy chế biến gạo tại Cty TNHH Toản Xuân mới đây
Thực tiễn mà NNVN ghi nhận tại Nam Định, một tỉnh lúa điển hình ở ĐBSH cho thấy, xu hướng tích tụ gắn với liên kết SX đang là hướng đi khả thi.
Chỉ liên kết với nông dân lớn
Ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phúc ước tính: Thay vì mỗi hộ làm dăm ba sào ruộng như trước, cùng với việc dồn điền đổi thửa, toàn xã hiện có trên 50% số hộ có từ 1 mẫu ruộng trở lên; 10-15% số hộ có trên 10 mẫu (hơn 3,5 ha). Cùng với sự hình thành những ông chủ đất lớn trong xã, đầu năm 2016, HTX nông nghiệp Hưng Phong (xã Hải Phúc) đã ra đời, quy tụ hơn 30 xã viên. Họ đa số là các hộ dân đã dồn đổi và có trong tay hàng chục mẫu ruộng. Nếu như trước đây, HTX nông nghiệp chỉ còn là bộ khung xương trống rỗng thì HTX mới huy động được trên 530 triệu đồng vốn lưu động, hoạt động theo Luật HTX mới. Ban quản trị HTX đều là các hộ dân ưu tú, có bằng trung cấp nông nghiệp trở lên…
Ở Nam Định, những mô hình tích tụ như Hải Phúc hiện rất nở rộ. Điều này đã tạo thời cơ cho một số DN cùng vào cuộc hợp tác với các HTX để SX lớn. Vụ ĐX 2016, lần đầu tiên ở Nam Định, Cty TNHH Toản Xuân (xã Yên Lương, huyện Ý Yên) đã đứng ra liên kết với các HTX và nông dân có diện tích lớn để SX gạo hàng hóa với tổng diện tích trên 500ha. Anh Trần Quốc Toản, GĐ Cty TNHH Toản Xuân khẳng định, anh nắm trong lòng bàn tay những nông dân ở Nam Định đã tích tụ được trên 10 mẫu ruộng, và tiêu chí của anh khi lựa chọn đối tượng để liên kết SX chính là những nông dân này. Với những hộ dân đã tích tụ được diện tích trên 20 mẫu, anh Toản sẽ ký hợp đồng trực tiếp.
Anh Trần Quốc Toản (giữa) kiểm tra đồng ruộng trước thu hoạch vụ mùa 2016
Những HTX được lựa chọn để ký hợp đồng liên kết với Cty, cũng phải đạt tiêu chí có vốn, hoạt động theo Luật HTX mới để đảm bảo tính pháp lí khi ký hợp đồng, đồng thời phải là các HTX có các xã viên đã tích tụ được quy mô ruộng đất tương đối lớn, có diện tích lớn trên 50ha, liền vùng liền mảnh, số hộ xã viên càng ít càng tốt.
Anh Toản lí giải, với 500ha lúa, nếu DN đứng ra liên kết với những hộ nông dân có diện tích quá nhỏ, sẽ phải có hàng trăm cái hợp đồng. Tuy nhiên nhờ liên kết với những nông dân và HTX hạt nhân nên hiện Cty chỉ phải ký hợp đồng với tổng cộng 15 HTX cùng 7 nông dân trên toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện có truyền thống SX lúa chất lượng như Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng…
“Bên cạnh việc có diện tích lớn, thuận lợi cho thâm canh và cơ giới hóa, những nông dân, HTX đã tích tụ được ruộng đất, họ đa số là đối tượng làm ruộng có trình độ nhất định, dễ dàng đón nhận cái mới và có tính kỷ luật cao. Nhờ vậy chỉ có liên kết với họ, mới có thể SX được lúa gạo đảm bảo yêu cầu về quy trình canh tác và quản lí chất lượng”, anh Toản phân tích.
Đôi bên cùng có lợi
Vụ mùa 2016, HTX Hưng Phong (xã Hải Phúc, Hải Hậu) là một trong số 15 HTX ở Nam Định ký hợp đồng SX lúa hàng hóa với Cty TNHH Toản Xuân. 15 hộ xã viên nòng cốt của HTX đã cùng SX một giống lúa chất lượng là Bắc thơm số 7 trên tổng diện tích gần 15ha. Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, lúa vụ mùa sẽ thu hoạch. Một cuộc họp giữa lãnh đạo HTX Hưng Phong và Cty TNHH Toản Xuân được diễn ra nhằm thống nhất thời gian thu hoạch.
Năm nay, cung cách thu hoạch sẽ rất khác, theo đó để đảm bảo lịch sấy và chất lượng lúa, HTX Hưng Phong sẽ phải thực hiện theo yêu cầu của Cty như: Máy gặt phải là Kubota đời DC 60 trở lên để giảm tỉ lệ tạp; một kỹ sư của Cty sẽ túc trực để giám sát, kiên quyết không để nông dân gặt các diện tích bị ngã đổ, diện tích bị sâu hại nặng để tránh lẫn lộn, giảm chất lượng gạo; máy gặt tới đâu, đo độ ẩm tới đó, đóng bao, ghi rõ từng thửa, tên từng hộ tới đó để truy xuất nguồn gốc trên bao bì gạo khi đưa ra thị trường; lúa gặt xong sẽ phải chuyển về lò sấy của Cty chậm nhất trong vòng 5 giờ sau khi gặt để sấy nhằm giữ chất lượng gạo…
Vụ mùa năm nay, bệnh bạc lá hoành hành tại nhiều nơi ở Nam Định, nhất là các giống lúa dễ bị bạc lá như Bắc thơm số 7, tuy nhiên tại các diện tích lúa Bắc thơm 7 của Cty TNHH Toản Xuân liên kết với nông dân, lúa gần như sạch bệnh hoàn toàn. Anh Trần Quốc Toản tiết lộ: Bắc thơm 7 là giống dễ bị bạc lá, để giữ được lúa sạch bệnh, tại mỗi lô, mỗi thửa, cán bộ kỹ thuật của Cty phải xuống tư vấn cho dân, đo độ pH của đất xem chỗ nào bón loại phân gì… Các loại phân bón giàu hàm lượng Silic được tăng cường để lúa cứng lá. Cty cũng có đội ngũ kỹ thuật giám sát đồng ruộng để đưa ra quyết định phun thuốc BVTV đúng loại, đúng thời điểm…
Anh Nguyễn Lưu Cộng, thôn An Nghiệp, xã Hải Toàn (huyện Hải Hậu), một trong 7 “đại điền chủ” liên kết với Cty TNHH Toản Xuân vụ mùa này vui như Tết vì toàn bộ 32 mẫu ruộng (hơn 11ha) với 100% giống Bắc thơm 7 đã cầm chắc thắng lợi, năng suất đạt trung bình 1,5 tạ/sào, ngang ngửa với vụ ĐX. Ở xã Hải Toàn, những nông dân như anh Cộng thuộc dạng “chân yếu tay mềm” nên chẳng thể đi làm ăn xa như người có sức vóc.
Anh Nguyễn Lưu Cộng, một đối tác của Cty TNHH Toản Xuân tại xã Hải Toàn (huyện Hải Hậu)
Người đàn ông ấy chưa đầy 40 tuổi nhưng đã như một ông lão, bảo rằng: Từ ngày 2 nhà máy may mặc mọc lên ở đầu xã Hải Toàn, những thửa ruộng không người làm cứ ngày một nhiều, dĩ nhiên là nó xôi đỗ. Để có được 11ha ruộng như bây giờ, anh đã phải tới từng nhà đi đàm phán dồn đổi, hộ không muốn cho mượn ruộng thì anh thuê lại, mỗi vụ 25-40kg thóc/sào. Mỗi vụ trừ chi phí, anh chỉ có lãi 40-50 triệu đồng.
Từ vụ ĐX năm 2016, nhờ liên kết SX với Cty TNHH Toản Xuân, anh bớt đi được nhiều mối lo. Trước đây, mỗi vụ thu hoạch anh Cộng khốn khổ bởi chuyện đi phơi thóc bởi chẳng kiếm đâu ra sân phơi nên lúa đến vụ mỗi ngày chỉ dám gặt nhỏ giọt. Còn bây giờ, phía Cty về đặt lịch, hơn 11ha thu rẹc một loáng, hốt thóc lên ô tô chở về lò sấy là xong.
Trước, mỗi vụ anh Cộng phải mua chịu của đại lí hơn 100 triệu đồng phân bón, họ tính lãi 10%/vụ. Còn bây giờ, phía Cty đầu tư toàn bộ phân bón, thiết bị vật tư cho cả vụ không tính lãi, nên hơn 10ha lúa cũng bớt đi được 4-5 triệu đồng tiền trả lãi. Bên cạnh đó, Cty cam kết mua lúa với giá cao hơn thị trường 7%. “Nhờ cán bộ kỹ thuật Cty hướng dẫn, nên lúa rất sạch bệnh. Từ vài tuần nay, đã có 6 đoàn thể từ các nơi về cánh đồng của tôi tham quan, rút kinh nghiệm về bí quyết phòng trừ sâu bệnh”, anh Cộng khoe. ...
Lê Bền (theo báo Nông nghiệp Việt Nam)
Tin mới nhất